KHÍ NHÀ KÍNH LÀ GÌ

Theo tiêu chuẩn ISO 14064-1 thì Khí nhà kính (greenhouse gas – GHG) là thành phần thể khí của khí quyển, có nguồn gốc cả từ tự nhiên và do con người, hấp thụ và bức xạ ở các bước sóng riêng trong phổ bức xạ hồng ngoại do bề mặt Trái đất, khí quyển và các đám mây phát ra.
Nói một cách đơn giản – Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, các khí CFC.. Khí nhà kính góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Ngày nay các hoạt động sinh hoạt, khai thác và phát triển của con người cùng với các hoạt động chặt phá rừng bừa bãi khiến khí CO2 ngày càng tăng, hiện tượng hiệu ứng nhà kính cũng tăng cao. Nhiệt độ không khí trên Trái Đất cũng theo đó mà tăng lên. Theo ước tính của các nhà khoa học, nhiệt độ của Trái đất sẽ tăng lên khoảng 1,5 – 4,5°C vào thế kỷ sau. Sự thay đổi của khí hậu làm cho lượng mưa và nhiệt độ thay đổi tạo điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát triển và sinh sôi; Khi nhiệt độ trái đất tăng lên hiện tượng băng tan ở hai cực sẽ xảy ra không chỉ là hiểm họa với các loai sinh vật sống trong môi trường khí hậu lạnh mà còn là hiểm họa tiềm tàng cho con người và các loài sinh vật khác do lượng nước lớn do băng tan tạo ra sẽ nhấn chìm các vùng đất thấp… Việc kiểm kê và giảm thiểu phát thải khí nhà kính là nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong công tác quản lý môi trường.
Theo J.G.J. Oliver(2019), các loại khí nhà kính và tỷ lệ phát thải được phân loại như trong bảng sau:
Bảng: Tỷ lệ phần trăm khí nhà kính trên toàn cầu ( J.G.J. Oliver-2019)
Khí nhà kính Tỷ lệ phần trăm
CO2 72%
N2O 16%
CH4 19%
CFC 3%

Theo các nhà khoa học, khí nhà kính phát thải do cả nguồn tự nhiên và nhân tạo do con người tạo ra, nhưng nguyên nhân nhân tạo là chủ yếu. Những tác động về biến đổi khí hậu do khí nhà kính là vấn đề toàn cầu chứ không còn chỉ ở một quốc gia, địa phương cụ thể. Do vậy việc tăng cường nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính do con người tạo ra đang ngày càng cấp bách. Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về  biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó sẽ cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào 2050 theo đúng những gì Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).